2 1 3 4 5 6 7 8 9

NHỮNG LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CHA MẸ CÓ CON TỰ KỶ

Chủ nhật - 18/06/2017 16:17
Bạn cần có tâm lý vững vàng để trở thành người cha, người mẹ tốt nhất cho con. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn và con mình có cuộc sống dễ dàng hơn.Cha mẹ có thể làm rất nhiều việc để giúp con mình khi con được chẩn đoán có rối loạn phổ tự kỷ. Điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng bạn được hỗ trợ khi cần thiết. Khi bạn nuôi dạy một em bé tự kỷ, việc chăm sóc bản thân mình không phải là xa vời hay ích kỷ mà vô cùng cần thiết. Bạn cần có tâm lý vững vàng để trở thành người cha, người mẹ tốt nhất cho con. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn và con mình có cuộc sống dễ dàng hơn.
Khi bạn được thông báo rằng con bạn có thể có rối loạn phổ tự kỷ, bạn chắc chắn vô cùng băn khoăn, lo lắng. Chẩn đoán tự kỷ là một chẩn đoán đáng sợ. Bạn không biết phải làm gì, bối rối bởi quá nhiều lời khuyên hay khi nghe rằng không thể chữa khỏi tự kỷ khiến bạn nghĩ rằng bạn không thể làm gì cho con. Mặc dù đúng là tự kỷ không thể mất đi nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp trẻ học được các kỹ năng và vượt qua các trợ ngại trong cuộc sống. Với một kế hoạch điều trị đúng đắn và tình yêu thương, con bạn vẫn có thể đi học, lớn lên và trở thành một người trưởng thành.
Đừng đợi chẩn đoán!
Khi trẻ được chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ hay chỉ là chậm phát triển, điều tốt nhất bạn có thể làm là bắt đầu quá trình điều trị ngay lập tức. Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi bạn nghi ngờ có gì đó bất thường. Đừng chờ đợi xem con có đuổi kịp các bạn hay vấn đề đó có tự mất đi hay không. Đừng đợi đến khi có chẩn đoán chính thức. Trẻ càng được can thiệp sớm, cơ hội thành công càng cao. Can thiệp sớm là biện pháp tốt nhất để đẩy nhanh sự phát triển của trẻ và giảm các triệu chứng tự kỷ khi trẻ lớn lên.
Khi con được chẩn đoán là tự kỷ:
Tìm hiểu về tự kỷ. Bạn càng có nhiều kiến thức, việc đưa ra quyết định đúng đắn càng dễ dàng. Tìm hiểu về các phương pháp điều trị, đặt nhiều câu hỏi và tham gia vào tất cả các quyết định điều trị.
Trở thành chuyên gia về con mình. Tìm hiểu những gì khiến con có hành vi khó kiểm soát hay đáp ứng tích cực. Điều gì làm con căng thẳng, bình tĩnh, không thoải mái hay thích thú. Nếu bạn hiểu được những gì ảnh hưởng đến con bạn, bạn sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn và phòng ngừa hay thay đổi các tình huống rắc rối.
Chấp nhận con bạn. Thay vì tập trung vào sự khác biệt giữa con bạn và những đứa trẻ khác và các kĩ năng trẻ còn thiếu hụt, hãy học cách chấp nhận. Vui vẻ với sự đặc biệt của trẻ, ăn mừng những thành công nhỏ, ngừng so sánh trẻ với người khác. Yêu thương không điều kiện và chấp nhận giúp trẻ nhiều hơn tất cả những thứ khác.
Không từ bỏ.Hiện nay chúng ta chưa thể tiên lượng được tiến triển của rối loạn phổ tự kỷ. Đừng kết luận rằng cuộc sống của con bạn sẽ như thế nào. Giống như những đứa trẻ bình thường khác, trẻ tự kỷ có cả một cuộc đời để lớn lên và phát triển.
Lời khuyên thứ nhất: Cấu trúc và sự an toàn
Hãy học tất cả những gì bạn có thể về tự kỷ. Điều đó sẽ giúp thay đổi cuộc sống của bạn và con bạn.
Kiên định. Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc áp dụng những gì chúng học ở môi trường này vào môi trường khác. Ví dụ như con bạn sử dụng ngôn ngữ kí hiệu ở trường để giao tiếp nhưng không bao giờ nghĩ đến việc dùng nó ở nhà. Tạo nên sự nhất quán giữa các môi trường là cách tốt nhất để củng cố việc học của con. Hãy tìm hiểu xem kĩ thuật viên của trẻ sử dụng kĩ thuật gì và tiếp tục các kĩ thuật đó ở nhà. Sử dụng một kỹ thuật trong các môi trường khác nhau để trẻ có thể áp dụng những gì học được từ môi trường này sang môi trường khác. Cần duy trì sự nhất quán trong cách bạn tương tác với con và xử lý các hành vi khó khăn của trẻ.
Tuân theo một lịch trình nhất định. Trẻ tự kỷ có xu hướng thể hiện tốt nhất khi chúng có một lịch trình cụ thể. Hãy lên một lịch trình phù hợp với con bạn, có giờ ăn, giờ trị liệu, giờ học và giờ ngủ cố định. Cố gắng tránh việc phá vỡ thói quen sinh hoạt của trẻ. Nếu có thay đổi không thể tránh khỏi, hãy chuẩn bị trước cho trẻ.
Khen thưởng các hành vi tốt.Việc củng cố tích cực các hành vi tốt rất hữu ích đối với trẻ tự kỷ. Khen ngợi khi trẻ cư xử đúng mực hoặc học được một kỹ năng mới, hãy nêu rõ hành vi cụ thểđó cho trẻ biết. Tìm nhiều cách để thưởng cho trẻ, ví dụ tặng trẻ hình dán hoặc cho trẻ chơi với đồ chơi yêu thích của chúng.
Tạo một không gian an toàn tại nhà. Tìm một nơi trong nhà mà con bạn có thể thư giãn, cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Việc này bao gồm sắp xếp và đưa ra các giới hạn mà trẻ có thể hiểu được. Có thể sử dụng các hỗ trợ về thị giác như băng dính màu đánh dấu khu vực giới hạn haygắn nhãn các vật dụng trong nhà bằng tranh ảnh. Bạn có thể cần đảm bảo mọi vị trí trong nhà đều an toàn, đặc biệt nếu con bạn hay ăn vạ hoặc có các hành vi tự làm mình bị thương
Lời khuyên thứ hai: Giao tiếp với trẻ bằng ngôn ngữ không lời
Việc giao tiếp với một trẻ tự kỷ có thể rất khó khăn nhưng đôi khi bạn không cần phải nói để giao tiếp và gắn kết. Bạn có thể giao tiếp với trẻ bằng ánh mắt, thay đổi ngữ điệu của giọng nói, ngôn ngữ cơ thể hay thông qua cách bạn chạm vào đứa trẻ. Con bạn cũng giao tiếp với bạn ngay cả khi chúng không thể nói được. Bạn cần phải học ngôn ngữ của chúng
Tìm những dấu hiệu không lời. Nếu bạn quan sát và ý thức về điều đó, bạn có thể nhanh chóng hiểu được những dấu hiệu không lời trẻ dùng để giao tiếp. Chú ý đến âm thanh trẻ tạo ra, nét mặt và cử chỉ của trẻ khi trẻ mệt, nói hay muốn gì đó.
Tìm hiểu động cơ đằng sau cơn ăn vạ. Cảm thấy buồn là điều rất dễ hiểu khi bạn bị phớt lờ hoặc bị hiểu nhầm. Trẻ khó chịu thường là vì chúng ta không hiểu ngôn ngữ không lời của chúng. Ăn vạ là cách để trẻ thu hút sự chú ý và thể hiện sự bực bội của chúng.
Hãy dành thời gian để chơi đùa. Một đứa trẻ với rối loạn phổ tự kỷ vẫn là một đứa trẻ. Đối với trẻ và cha mẹ chúng, cuộc sống không chỉ có việc trị liệu. Sắp xếp thời gian chơi khi trẻ tỉnh táo nhất. Tìm cách để chơi đùa với trẻ, nghĩ đến những thứ làm trẻ cười và ra khỏi lớp vỏ của mình. Con bạn sẽ thích các hoạt động mà nó không đem lại cảm giác như trẻ đang trị liệu hoặc đi học. Chơi là một phần tất yếu của quá trình học của trẻ, hãy cùng trẻ tận hưởng thời gian vui vẻ đó.
Chú ý tới các cảm giác của trẻ. Nhiều đứa trẻ tự kỷ quá nhạy  cảm với ánh sáng, âm thanh, sờ chạm hay mùi vị. Nhiều đứa trẻ lại ít đáp ứng với các kích thích về mặt giác quan đó. Hãy tìm xem những cảm giác nào gây nên hành vi không tốt  và cảm giác nào đem lại đáp ứng tích cực. Nếu bạn hiểu được những gì ảnh hưởng đến con mình, bạn sẽ giải quyết các vấn đề tốt hơn, có thể phòng ngừa các tình huống gây khó khăn và tạo nên các trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ.
Lời khuyên thứ ba: Lên kế hoạch điều trị cá nhân
Với rất nhiều phương pháp điều trị hiện nay, có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra hướng đi cho con mình. Bạn có thể nghe được nhiều lời khuyên khác nhau từ các cha mẹ khác, bác sĩ và giáo viên. Khi lên kế hoạch điều trị cho con mình, hãy nhớ rằng không có phương pháp nào phù hợp cho tất cả mọi người. Mỗi người tự kỷ là một cá thể duy nhất với những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau.
Một kế hoạch điều trị tốt là:
  • Dựa trên các sở thích của trẻ
  • Có một lịch trình cụ thể
  • Dạy kĩ năng bằng một chuỗi các bước đơn giản
  • Chủ động thu hút sự chú ý của trẻ trong các hoạt động được cấu trúc rõ ràng
  • Thường xuyên củng cố về hành vi
  • Có sự tham gia của cha mẹ
Bạn là người hiểu con mình rõ nhất, hãy đảm bảo các nhu cầu của trẻ được đáp ứng trong quá trình trị liệu. Bạn có thể làm điều đó bằng cách tự hỏi những câu hỏi sau:
  • Điểm mạnh và điểm yếu của con tôi là gì?
  • Những hành vi nào gây nhiều vấn đề nhất? Con tôi thiếu những kĩ năng gì?
  • Con tôi học tốt nhất bằng cách nào, nhìn, nghe hay làm?
  • Con tôi thích cái gì? Và những hoạt động nào trong số đó có thể sử dụng khi trị liệu?
Lựa chọn phương pháp điều trị:
Một số phương pháp điều trị tập trung vào việc giảm các hành vi không mong muốn và xây dựng các kĩ năng giao tiếp, xã hội trong khi một số khác tiếp cận các vấn đề về cảm giác, kĩ năng vận động, cảm xúc hay việc nhạy cảm với thức ăn.
Với quá nhiều lựa chọn, điều quan trọng là bạn cần tìm hiểu, trao đổi với các chuyên gia về tự kỷ và đặt các câu hỏi. Mục tiêu của việc điều trị là điều chỉnh các triệu chứng và đáp ứng nhu cầu của con bạn, vì thế thường cần kết hợp nhiều phương pháp trị liệu với nhau.
Những phương pháp thường gặp nhất bao gồm hành vi trị liệu, âm ngữ trị liệu, chơi trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu.
Và cuối cùng hãy nhớ rằng, sự tham gia của bạn trong quá trình điều trị có ý nghĩa sống còn. Tất cả các phương pháp trên đều chỉ có thể thành công khi cha mẹ tìm hiểu, có kiến thức và tham gia tích cực vào quá trình trị liệu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây