2 1 3 4 5 6 7 8 9

Lịch sử hình thành và phát triển

 BỆNH VIỆN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG THÁI BÌNH

   Sức khoẻ là vốn quý nhất - một trong những điều cơ bản để con người sống hạnh phúc, mục tiêu - nhân tố quan trọng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua gần nửa thế kỷ, bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình luôn nhân được sự quan tâm của Bộ Y tế, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các ban ngành trong tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, sự đoàn kết và cống hiến của các thế hệ cán bộ đã góp phần xây dựng Bệnh viện không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, năm 2014 được tôn vinh là đơn vị dẫn đầu của Ngành Y tế và đạt nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước.
   Bệnh viện Phục hồi chức năng được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1970, tên gọi đầu tiên là Bệnh viện Điều dưỡng cán bộ Thái Bình (Bệnh viện Đồng Châu) làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên của tỉnh; Ban Lãnh đạo gồm Giám đốc và 01 phó giám đốc, có hai phòng chức năng (Tổ chức Hành chính, Quản trị và Y vụ), ba khoa chuyên môn (Lâm sàng, Dược, Dinh Dưỡng) với tổng số 32 cán bộ, gồm 3 bác sĩ, bốn y sỹ, hai dược sỹ, tám điều dưỡng, còn lại là nhân viên hành chính, kế toán, cấp dưỡng và bảo vệ.
Năm 1972, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Bệnh viện phải sơ tán vào xã Đông Cơ (Tiền Hải), rồi lại chuyển về xã Thanh tân Kiến Xương.
Năm 1973, Bệnh viện được tiếp quản cơ sở mới tại Vũ Quý huyện Kiến Xương, lúc này Bệnh viện Điều dưỡng A Tiên Hưng giải tán, tinh giảm và điều chuyển biên chế về Bệnh viện Điều dưỡng cán bộ Thái Bình, lực lượng viên chức tăng lên 92 người, cơ cấu lãnh đạo và khoa phòng không thay đổi.
   Bước vào thời kỳ cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (1975 – 1985), lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên bệnh viện luôn hăng hái thi đua, chăm sóc và phục hồi sức khoẻ cho hàng ngàn lượt cán bộ trong tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba và Hạng nhì.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thực hiện xoá bỏ bao cấp, hầu hết các bệnh viện Điều dưỡng trên toàn quốc hoặc giải thể hoặc sát nhập. Nhưng Lãnh đạo cùng cán bộ viên chức bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Thái Bình đã không nao núng, đoàn kết, thống nhất, làm tốt việc tinh giảm biên chế chỉ còn 39 cán bộ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy với 6 khoa phòng (Phòng tổ chức hành chính quản trị được tách thành phòng Tổ chức Hành chính và Phòng Tài vụ), thay đổi phương thức hoạt động từ điều dưỡng đơn thuần sang điều dưỡng kết hợp với phục hồi chức năng, tham mưu tích cực với ngành về công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
   Bệnh viện đã có thêm hai lần đổi tên theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, đó là: Trung tâm phục hồi chức năng - Điều dưỡng Thái Bình năm 1995, rồi Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN Thái Bình năm 1999.
   Đối tượng người bệnh ở giai đoạn này được mở rộng, bệnh viện triển khai nhiệm vụ khám, điều trị - phục hồi chức năng, chăm sóc và phục vụ các Bác Lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cán bộ công nhân viên, thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công, người khuyết tật, nhân dân trong và ngoài tỉnh với 50 giường bệnh kế hoạch trong đó có 20 giường bảo hiểm y tế.
Bệnh viện đã tham mưu với ngành triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở 185 xã phường trong tỉnh, giúp cho hàng ngàn người khuyết tật được hoà nhập, tái hoà nhập xã hội, trẻ em khuyết tật được đến trường, người lớn khuyết tật được dạy nghề, vay vốn, tham gia lao động sản xuất và phụ giúp kinh tế cùng gia đình.
   Bước sang kỷ nguyên mới, Bộ Y tế đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Việt Nam thế kỷ 21 là: Y tế dự phòng, Khám chữa bệnh, Phục hồi chức năng và Nâng cao sức khỏe; Cùng với xu thế phát triển chung của ngành Phục hồi chức năng Việt Nam, được sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo trong tỉnh, ngày 04/9/2002, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Điều dưỡng PHCN tỉnh Thái Bình tại trung tâm thành phố.
Vừa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại cơ sở cũ, tiếp nhận dự án “Lợi ích bền vững cho người khuyết tật vận động” do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam tài trợ, tổ chức PHCN cho người khuyết tật tại cộng đồng vừa triển khai xây dựng cơ sở mới,… Nhưng, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bệnh viện được UBND tỉnh cho phép chuyển địa điểm và triển khai hoạt động ở cơ sở mới tại Phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình từ tháng 10/2010.
Những năm trước đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng rất nghèo nàn về các trang thiết bị chuyên khoa, thiếu các điều kiện thiết yếu để chăm phục vụ người bệnh nhưng đến nay đã có một bước tiến dài vượt bậc, cơ sở hạ tầng đã được xây dựng hoàn thiện, khang trang, thiết bị chuyên khoa hiện đại được đầu tư mua sắm, đáp ứng được yêu cầu của một cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II.
   Trong cả một chặng đường lịch sử, nhiệm vụ mà Bệnh viện coi trọng hàng đầu là công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức PHCN và mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng.
   Bước đột phá trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện PHCN Thái Bình hiện nay là việc tiếp nhận chuyển giao và triển khai nhiều kỹ thuật PHCN nâng cao từ các Bệnh viện trung ương theo đề án 1816, ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại, cứu sống và cứu giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi tình trạng tàn tật; chất lượng điều trị PHCN ngày càng được nâng cao và đem lại hiệu quả thiết thực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng ngàn người khuyết tật.
Xác định công tác đào tạo cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu trong hoạt động của bệnh viện, vì vậy công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ luôn được Bệnh viện đặc biệt quan tâm. Đến nay, Bệnh viện đã có 41,5% cán bộ có trình độ đại học, trong đó 80% Bác sỹ có trình độ sau đại học; 75% bác sỹ được đào tạo chuyên ngành phục hồi chức năng sau đại học, 96% điều dưỡng được đào tạo chuyên ngành phục hồi chức năng; cán bộ viên chức có đủ trình độ tin học, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cùng với công tác chuyên môn, việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp luôn được lãnh đạo bệnh viện coi trọng. Lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu” đã thành tôn chỉ đối với tập thể, cán bộ nhân viên Bệnh viện. Qua nhiều phong trào thi đua thực hiện theo lời Bác Hồ dạy, tinh thần phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày càng nâng cao.
   Từ năm 1993, Bệnh viện phối hợp với trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương, tổ chức VVAF, đã khám và làm dụng cụ cho người khuyết tật Thái Bình. Vì thế, bộ mặt PHCN trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, được Bộ Y tế đánh giá một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc vê công tác Phục hồi chức năng.
   Song song với công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, Bệnh viện còn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám và điều trị, giảm ngày điều trị, phục hồi tối đa cá chức năng cho người khuyết tật, chữa khỏi hoàn toàn nhiều người bệnh mà lúc đầu tưởng như tàn tật vĩnh viễn.
   Năm 2014, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Phục hồi chức năng; Bệnh viện có nhiệm vụ khám, điều trị PHCN cho bệnh nhân bệnh nội, ngoại trú, tổ chức khám chữa bệnh ban đầu, an dưỡng cho người bệnh và các đối tượng khác có nhu cầu; Tham mưu giúp Sở Y tế về công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động chuyên khoa PHCN ở tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Bệnh viện luôn được UBND tỉnh, Sở Y tế và các sở ngành trong tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện khuôn viên khang trang sạch đẹp, thiết bị chuyên khoa hiện đại đồng bộ đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh PHCN chất lượng cao, đối tượng phục vụ được mở rộng cho tất cả những người tham gia bảo hiểm y tế và nhân dân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu. Đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa được đào tạo chính quy vững vàng về chuyên môn, tinh thần phục vụ tận tình chu đáo, thái độ cởi mở, thân thiện, luôn sẵn sàng chia xẻ, giúp đỡ người bệnh với mục tiêu đạt hiệu quả phục hồi chức năng cao nhất; Nhiều kỹ thuật hiện đại được thực hiện tại bệnh viện như: Siêu âm chẩn đoán; X quang; Xét nghiệm; điện tim; lưu huyết não; nội soi tai mũi họng; siêu âm điều trị; trường cao áp; điện phân; điện xung; kích thích liền xương; Laser châm, laser nội mạch; Biofeedback, hồng ngoại, tử ngoại điều trị, sóng ngắn; kéo nắn cột sống;… mang lại hiệu quả điều trị vượt bậc.
   Bệnh viện đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng 119 đề tài khoa học (trong đó có 2 đề tài cấp ngành) và hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài đã mang lại hiệu quả điều trị cao. Những con số khiêm tốn nói trên mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, chứa đựng tình thương và trách nhiệm của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã không quản ngại khó khăn, vất vả chăm lo cho những người bệnh bằng tinh thần và trách nhiệm của người thầy thuốc. Tập thể và cán bộ Bệnh viện tự hào đã giúp cho hàng ngàn người khuyết tật được phục hồi sức khoẻ, tạo niềm tin với nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Với chiều dày lịch sử 48 năm, phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết phấn đấu vì sức khoẻ và hạnh phúc của nhân dân. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới Bệnh viện có những bước phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, đời sống cán bộ viên chức được cải thiện về tinh thần, vật chất, nội bộ đoàn kết, phong trào thi đua thường xuyên, sôi nổi, xuất hiện nhiều tập thể cá nhân tiên tiến xuất sắc; Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 huân chương lao động hạng Hai, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Thủ tướng chính phủ; Bộ Y tế, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Sở Y tế; Năm bác sĩ đã từng công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”.
   Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình đã khẳng định được vị trí của mình là cơ sở chuyên khoa PHCN có kỹ thuật cao của Ngành Y tế.
   Định hướng đến năm 2030, Bệnh viện PHCN Thái Bình tiếp tục phát huy vai trò của bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh; Nâng quy mô từ 170 giường bệnh hiện nay đến năm 2025 đạt 250 giường;  Mở rộng các mô hình dịch vụ: chăm sóc điều trị theo yêu cầu, điều trị PHCN tại nhà; Tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật; Thực hiện nhiệm vụ đào tạo liên tục, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở; Thực hiện phục hồi chức năng tại cộng đồng và dựa vào cộng đồng; Áp dụng các cơ chế thuận lợi để huy động nguồn vốn xây dựng, cải tạo, nâng cấp các khu kỹ thuật; đầu tư trang thiết bị hiện đại cho triển khai các kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật cao: từ trường xuyên sọ, sóng xung kích, ôxy cao áp, laser công suất cao, từ trường siêu dẫn, hệ thống robot PHCN... ; mở rộng các chuyên ngành sâu về PHCN theo hướng PHCN chuyên biệt, chú trọng Ngôn ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu, Tâm lý trị liệu, Sản xuất dụng cụ chỉnh hình; Chủ động tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao và đáp ứng kịp với xu hướng dân số già đang ngày càng rõ nét; Thành lập mới các khoa điều trị chuyên sâu: khoa ngôn ngữ trị liệu, khoa hoạt động trị liệu, khoa an dưỡng lão theo lộ trình thực hiện Kế hoạch quốc gia về phát triển Phục hồi chức năng giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch phát triển Phục hồi chức năng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015-2020 ban hành theo Quyết định số 3355/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đến năm 2030 quy mô giường bệnh là 300, có các khoa điều trị cho người khiếm thính, khiếm thị.

 

BẢN ĐỒ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây