Theo tác giả Margaret Schenkman, Phó chủ nhiệm khoa Vật lý trị liệu và Giám đốc chương trình Vật lý trị liệu tại Viện Y khoa Anschutz, "Nếu bạn bị bệnh Parkinson và muốn trì hoãn sự tiến triển của các triệu chứng, chỉ đi dạo thôi chưa đủ. Bạn nên tập luyện 3 lần một tuần với cường độ đạt 80 đến 85% nhịp tim tối đa và việc này không khó để thực hiện".
Trước kia các bác sĩ cho rằng tập luyện cường độ cao là quá sức đối với bệnh nhân Parkinson. Tuy nghiên kết quả nghiên cứu "Hiệu quả của bài tập cường độ cao sử dụng thảm chạy đối với triệu chứng vận động ở bệnh nhân Parkinson" đã được công bố trên tạp chí JAMA Neurology tháng 2 năm 2018.
Các triệu chứng của Parkinson bao gồm mất dần kiểm soát vận động, run, cứng, chậm chạp và mất thăng bằng. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nói, đi lại và thực hiện các hoạt động đơn giản. Hầu hết những người mắc Parkinson từ 60 tuổi trở lên. Thuốc điều trị Parkinson có nhiều tác dụng không mong muốn và giảm dần hiệu quả theo thời gian nên rất cần các phương pháp điều trị mới.
Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên này tiến hành trên 128 bệnh nhân từ 40 đến 80 tuổi ở Trung tâm y khoa Đại học Rush, Đại học Northwestern và Đại học Pittsburgh và đại học Colorado.
Các bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu đều ở giai đoạn sớm và không dùng thuốc để đảm bảo kết quả của nghiên cứu là do tập luyện, không ảnh hưởng bởi thuốc.
"Bạn can thiệp càng sớm, khả năng ngăn chặn được tiến triển của bệnh càng cao", đồng tác giả Daniel Corcos, giáo sư vật lý trị liệu và khoa học vận động con người tại Trường Y khoa Feinberg, đại học Northwestern cho biết. " Thông qua tập luyện, chúng tôi có thể làm chậm tiến triển các triệu chứng trong 6 tháng; việc có thể trì hoãn bệnh sau 6 tháng cần những nghiên cứu sâu hơn"
( Nguồn: Parkinson Foundation)
Các nhà khoa học đánh giá sự an toàn và hiệu quả của việc tập luyện 3 lần một tuần trong 6 tháng với cường độ cao, đạt 80 đến 85% nhịp tim tối đa và cường độ trung bình, đạt 60 đến 65% nhịp tim tối đa và so sánh kết quả của hai nhóm với nhóm chứng không tập luyện. Các bệnh nhân được tính điểm theo thang đánh giá bệnh Parkinson, từ 0 đến 108, điểm càng cao, triệu chứng càng nặng.
Điểm trung bình của các nhóm khoảng 20 trước tập luyện. Những người trong nhóm cường độ cao duy trì tại 20 điểm. Nhóm cường độ trung bình nặng lên 1,5 điểm. Nhóm không tập luyện tăng lên 3 điểm, tức là thay đổi 15% so với ban đầu và có ý nghĩa lâm sàng, làm thay đổi chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Schenkman và đồng nghiệp khẳng định tập luyện cường độ cao là an toàn, có bác sĩ tim mạch giám sát việc luyện tập để đánh giá đáp ứng của nhịp tim với tập luyện.
Sự khác biệt của nghiên cứu này với các nghiên cứu khác là số liệu thu thập trên số lượng lớn bệnh nhân tập luyện trong 6 tháng. Nhiều nghiên cứu khác chỉ kéo dài 12 tuần và tập trung vào tập luyện cường độ thấp hoặc tập kéo giãn. Một số nghiên cứu trước đây gợi ý rằng tập luyện cường độ cao cải thiện triệu chứng vận động, nhưng bằng chứng không đủ để xác định cường độ tập luyện có thay đổi triệu chứng hoặc tiến triển bệnh không. Ngoài ra, hầu hết các nghiên cứu không đo chính xác hoặc kiểm soát cường độ bài tập và không nghiên cứu nào tiến hành với cường độ 80 đến 85% nhịp tim tối đa.
Nghiên cứu tập trung vào các bệnh nhân ở giai đoạn sớm và giúp họ tiến triển chậm hơn, đặc biệt có ý nghĩa với một bệnh mạn tính và tiến triển như Parkinson. Bước tiếp theo là thử nghiệm lâm sàng pha III thực hiện trên nhiều bệnh nhân và nhiều trung tâm hơn.